Bình thường nướu răng sẽ bám chung quanh cổ răng.
Giữa răng và nướu luôn có một khe hẹp (nghĩa là nướu răng áp sát vào cổ răng) và có độ sâu chỉ khoảng chừng 1-2 mm.
Khi tình trạng vệ sinh răng miệng kém, có nhiều mảnh vụn thức ăn lọt vào khe nướu, đọng lại đó, lâu dần cứng lại thành vôi răng. Lúc này bệnh nhân có thể cảm thấy ê buốt hay ê ẩm răng. Đôi khi tình trạng khó chịu này chỉ thoáng qua, rồi tự hết, bệnh nhân tưởng là khỏi bệnh. Nhưng không phải như vậy! Vôi răng vẫn còn nằm trong khe nướu và tiếp tục tích tụ nhiều hơn, đẩy đáy khe nướu tụt dần xuống khỏi vị trí quanh cổ răng lúc ban đầu. Lúc này khe nướu không còn là khe nữa vì đã phát triển sâu hơn và rộng ra (nướu răng không còn ôm sát chân răng nữa), như hình dạng một cái túi, nên gọi là túi nướu (hay túi nha chu).Thành phần chính của mảng bám là vi khuẩn. Vi khuẩn chiếm 90-95% trọng lượng ướt của mảng bám. 5-10% còn lại gồm có một số tế bào của vật chủ, khuôn hữu cơ và ion vô cơ.Có 2 loại mảng bám cơ bản: mảng bám trên nướu và mảng bám dưới nướu. Đa số các vi khuẩn hiện diện trong mảng bám trên nướu là vi khuẩn ái khí và vi khuẩn ngẫu nhiên, trong khi ở mảng bám dưới nướu lại chứa đa số các vi khuẩn kị khí.