NHA KHOA THẨM MỸ BÁ LÂN 126
___nụ cười của bạn - đam mê của chúng tôi___


.:126 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1:.


 

Thế hệ răng đen cuối cùng ở Hưng Yên



    Bà Lê Thị Tỉnh, một trong những người thuộc thế hệ nhuộm răng đen cuối cùng ở Hưng Yên, nhớ lại: "Năm sáu chị em rủ nhau nhuộm răng, nằm đầy một nhà, sớm dậy gỡ thuốc ra rồi lại ríu rít kéo nhau đi chợ".
    Thôn Bình Phú, xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) còn có khá nhiều bà, nhiều cụ giữ được hàm răng đen và nụ "cười như mùa thu tỏa nắng".
    Chịu khổ cả tuần để có hàm răng đen nhánh
    Bà Lê Thị Tỉnh, 73 tuổi, là một trong những người thuộc thế hệ nhuộm răng đen cuối cùng ở Hưng Yên. Bà nhớ lại: "Cách rách nhưng mà vui lắm. Năm sáu chị em lớn bé rủ nhau nhuộm răng, nằm đầy một nhà, người nọ đắp thuốc cho người kia, sớm dậy gỡ thuốc ra rồi lại ríu rít kéo nhau đi chợ xa. Nhà nào có con cháu nhuộm răng là biết ngay, vì đông vui khác thường".
    Bà cho biết, xưa, người làng thường nhuộm răng khi đã thay hết răng sữa, sớm thì mười một, mười hai tuổi, muộn thì mười tám đôi mươi. Con gái chưa chồng mà răng trắng thì bị coi là không đứng đắn, nên ai cũng muốn nhuộm răng cho đen láy.
    
http://nhakhoa126.com/hinhanh/tin%20tuc/the%20he%20rang%20den%20cuoi%20cung%20o%20hung%20yen%2001.jpg
Răng đen là nét đẹp trong quan niệm xưa của người Việt.

    Thuốc nhuộm răng khi ấy mua của người Mán, bán ở chợ phiên, làm bằng bột nhựa cánh kiến. Thuốc đem về sau khi pha chế sẽ được phết lên miếng lá chuối, cắt vừa phải rồi đắp lên răng, đã được làm sạch miệng bằng chanh và vỏ cau khô, vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nửa đêm, các thiếu nữ phải dậy để thay miếng thuốc khác, cứ đắp liên tục như thế từ năm đến mười ngày. Sau cùng là công đoạn "chiết răng": dùng gáo dừa đun cho chảy nhựa, lấy nhựa đó đắp để cố định lại lớp men răng đã nhuộm, cho khỏi bị phai màu.
    "Suốt tuần nhuộm răng, chỉ có nuốt cơm chan canh, không được nhai hay ăn đồ nóng, nếu không thuốc sẽ thôi ra, lại thành răng cải mả thì ra đường xấu hổ lắm", bà Lê Thị Nhiên, 75 tuổi, kể. Cũng theo bà Nhiên, con gái thời xưa ai cũng thích có hàm răng đen láy nên hễ ai mách gì để răng đen là làm theo bằng được.
    Theo quan niệm của người xưa, răng được chia thành hai loại chính là răng hến và răng đá. Răng hến nhỏ và đều, dễ ăn thuốc nên nhuộm xong thường đen nhánh. Ngược lại, răng đá to, khó ăn thuốc, người nhuộm phải thật khéo léo và kiên trì kẻo sẽ thành răng "cải mả" rất khó coi.
    Nhuộm răng không chỉ cần chuẩn bị kỹ càng mà còn phải công phu gìn giữ. Thông thường các thiếu nữ xưa ăn trầu để giữ cho chân răng chặt, không sâu và màu răng bền đẹp. "Tôi không ăn được trầu nên răng mới bị rụng một cái, màu nửa đỏ nửa đen thế này", bà Nguyễn Thị Thực, 78 tuổi, chia sẻ.
    Tự hào về răng đen
http://nhakhoa126.com/hinhanh/tin%20tuc/the%20he%20rang%20den%20cuoi%20cung%20o%20hung%20yen%2002.jpg
Nhiều cụ già vẫn tự hào về hàm rằng đen "cười như mùa thu tỏa nắng" của mình.

    Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, trong làng Bình Phú hiện đa số các cụ từ 70 tuổi trở lên còn giữ được hàm răng đen. Nhiều cụ đều cho rằng, răng đen không chỉ là nét đẹp thuở xưa mà hiện vẫn làm các cụ tự hào vì nó đem lại vẻ nền nã cho tuổi già. "Người già phải răng đen mới đẹp, răng trắng ăn trầu thuốc trông sợ lắm", bà Mỹ nói.
    Cũng thuộc xã Yên Phú, ở thôn Mễ Hạ có cụ Thư năm nay đã 101 tuổi vẫn giữ được hàm răng đen láy. Còn cụ Khôi đã mất cách đây hai năm (cũng hưởng thọ 101 tuổi), song con cháu vẫn nhớ như in nụ cười phúc hậu với hàm răng đen không rụng cái nào của cụ.
    Bình thường, sau khi nhuộm răng, mỗi năm một lần, người ta đều mua thuốc xỉa để màu răng thêm đen bóng. Hàm răng đen của nhiều cụ đã nhuộm cả nửa thế kỷ nên màu không còn được như trước. "Muốn mua thuốc xỉa cho thêm đen mà không biết tìm thuốc đâu bây giờ", bà Mỹ nói giọng đầy nuối tiếc.
    Nhiều người trong làng hiện nay khi bước vào tuổi 60 vẫn mong muốn có hàm răng đen để ăn trầu cho đẹp nhưng không còn nơi nào bán thuốc. "Cháu gái tôi nhìn răng đen của các cụ vẫn thích lắm, nhưng chả mấy năm nữa, khi các cụ khuất núi hết, chắc chút chít không đứa nào được nhìn thấy hàm răng đen nữa", bà Tỉnh buồn rầu nói.
    Cụ Nguyễn Thị Rô, năm nay 91 tuổi, tuy không còn chiếc răng nào nhưng khi được hỏi, cụ vẫn kể lại rành rọt kể lại chuyện nhuộm răng. Cụ tỏ vẻ nhớ tiếc hàm răng đen bóng, niềm tự hào từ thời con gái của mình, và bày tỏ sự nuối tiếc khi hậu sinh không giữ được tục nhuộm răng.
    Nhuộm răng đen là một trong những phong tục cổ nhất của người Việt Nam, đã có từ hàng nghìn năm, và bắt đầu mai một kể từ đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Do đó, ở nhiều nơi, những người thuộc lứa tuổi ngoài 70 đã không còn nhuộm răng nữa. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, Viện Nghiên cứu văn hóa, tục nhuộm răng đen của người Việt Nam trước đây thể hiện văn hóa bản địa, không chỉ là quan điểm thẩm mỹ mà còn thể hiện tri thức dân gian về vệ sinh răng miệng và niềm tin về tín ngưỡng. Nhưng hiện nay khi quan điểm thẩm mỹ đã thay đổi, chẳng bao lâu nữa hình ảnh những phụ nữ răng đen chỉ còn là hoài niệm một thời.                                                         
Theo Như Quỳnh - Báo Đất Việt
Website thuộc  Công ty TNHH TM Bá Lân.
MST:0312553345.
Địa chỉ: 126 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

ĐT: 028 38 38 9660 - Hotline: 0937 999 126
© Copyright 2021 By nhakhoa126.com
Nụ cười của bạn | Đam mê của chúng tôi
THIẾT KẾ BỞI HTM.WIKI