Chào chị, Men răng sữa của các bé thường rất yếu. Yếu thì dễ bị sâu. Nếu không được chăm sóc kỹ và đúng cách, răng của bé sẽ bị sâu răng tấn công từ rất sớm. Chăm sóc răng kỹ, ngoài việc hướng dẫn và kiểm soát tốt bé đánh răng đúng cách, sử dụng kem đánh răng đúng liều lượng (Chị có thể tìm hiểu thêm thông tin về cách dạy cho bé đánh răng tại đây nhé.), thì việc cho bé ăn nhiều rau, chất xơ, tập và động viên cho bé nhai đồ ăn thay vì ngậm là một cách vệ sinh răng miệng rất hiệu quả. Thức ăn cho trẻ phải cung cấp đầy đủ sinh tố A, C, D, các muối khoáng có trong các loại rau, quả, củ, thịt, trứng, sữa, thức ăn biển như: cá, cua, nghêu,… để giúp răng phát triển, chất fluor giúp cho cấu tạo răng bền vững. Nên cho trẻ ăn thức ăn có xơ, những sợi xơ cùng nước bọt tiết ra có khả năng cuốn đi thức ăn còn vướng ở kẽ răng, đó cũng là một cách phòng tránh sâu răng cho trẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỉ lệ sâu răng sữa sớm ở những bé có những bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, hay nôn ói, hoặc đặc biệt là tình trạng ngậm đồ ăn, lười nhai hoặc không chịu nhai cao hơn so với những trẻ còn lại. Vấn đề thứ hai của bé nhà chị bây giờ là có một răng đã chữa tủy, đã trám lại nhưng vẫn bị rò mủ và làm cho bé đau nhức. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tủy răng là một tổ chức phức tạp bao gồm mạch máu và thần kinh răng. Khi tủy răng bị nhiễm trùng phải điều trị tủy răng thì đây là một hoạt động tương đối khó điều trị, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ và đặc biệt là phải nhiều kinh nghiệm điều trị thực tế. Điều trị tủy răng nói chung đã khó. Điều trị tủy răng cho trẻ em còn khó hơn. Bởi vì thường bé ít chịu hợp tác, không nằm yên và há miệng đủ lâu để bác sĩ có đủ thời gian thao tác điều trị đúng và đủ. Trong điều trị tủy răng, chỉ cần một sơ sót nhỏ của bác sĩ cũng có thể dẫn đến những tổn thương khó phục hồi cho răng như làm thủng sàn tủy, thủng chóp tủy,...Trường hợp của bé nhà chị bây giờ, bác sĩ nói là do chân răng sát lợi quá mới dẫn đến tình trạng như vậy là không hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là bản thân tủy răng vẫn còn bị nhiễm trùng, chưa được làm sạch hoàn toàn.


Khi răng bị sâu, việc điều trị cho các bé thường gặp khó khăn do tâm lý sợ hãi, không hợp tác điều trị. Răng sữa bị sâu thường có diễn biến nhanh và tủy răng rất dễ bị nhiễm trùng. Khi tủy răng nhiễm trùng, các bé sẽ rất đau nhức và thường xuất hiện những lỗ rò mủ ở phía trên, phần nướu của răng bị sâu. Hoặc có thể là do một số những tổn thương mà chúng tôi đã đề cập ở trên gây nên. Răng cần phải được chụp phim x-quang cận chóp để xác định tình trạng một cách chính xác và kỹ lưỡng để đưa ra hướng điều trị hợp lý, hơn là đề xuất phương án nhổ bỏ.
Nhổ răng cho bé không nguy hiểm. Nhưng bé mới 5 tuổi, và đúng như chị nghĩ là còn rất lâu nữa bé mới thay răng (đối với những răng hàm). Nhổ đi bây giờ, bé sẽ hạn chế hơn trong việc ăn nhai và đặc biệt là làm tăng nguy cơ cho răng vĩnh viễn mọc lệch sau này.

Nhổ răng sữa sớm sẽ làm cho răng bị mất khoảng. Đây là nguyên nhân làm cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên bị xô lệch Theo chúng tôi, ở Hưng Yên chị nên cho cháu đến một phòng nha khác, hoặc đến bệnh viên có chuyên khoa về răng hàm mặt để được khám và tư vấn lại.
Chúc bé nhà chị sớm có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt!
Thân chào chị, 126 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP HCM
Tel: 08 38 38 9660 - 08 39 209 902Hotline: 0982 365 000
0982 365 000Email: nhakhoathammy126@gmail.com