Tư vấn: răng sữa có chấm đen - Trịnh Thúy Lan (Lào Cai)
Bé nhà tôi được 15,5 tháng tuổi, hiện bé có 6 chiếc răng, 4 răng cửa trên và 2 răng cửa dưới. Cách đây 2 tháng, tôi thấy có 1 chấm đen trên răng cửa dưới của cháu, tôi thường xuyên dùng khăn đánh răng cho cháu và đã cố chà mạnh nhưng chấm đen trên răng xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi lo lắng nó se bị mủn ra như 1 số trẻ khác. Bé nhà tôi khi mới sinh bị vàng da sinh lý, hết 2 tháng đầu mới hết. Bác sỹ có thể chỉ cho tôi cách làm sao để chăm sóc tốt hơn cho răng của bé và khống chế không để cho răng bé tồi tệ hơn?
Chào chị, Bé nhà chị bị vàng da sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng răng của bé không tốt. Men răng sữa của bé có thể không chắc khỏe, láng bóng như bình thường. Chính vì vậy mà men răng của bé dễ bị bám dính thực phẩm sinh hoạt hàng ngày, tạo thành những mảng bám màu đen. Đặc biệt, nếu men răng bị rỗ lỗ chỗ thì khả năng bám dính thực phẩm càng nhiều, tạo thành những mảng màu đen to và khó làm sạch bằng cách đánh răng.
Những vết đen trên răng như thế này đơn giản chỉ là mảng bám không gây hại cho răng Những mảng bám này giống như mảng bám dính trên răng của những người hút thuốc lá. Nó rất khó làm sạch bằng cách thông thường như chải răng hay lau mạnh bằng khăn giống như cách chị đang làm. Những mảng bám này thường không gây hại cho răng. Nên chị có thể để tự nhiên cũng được. Nếu không, chị có thể cho bé đi nha sỹ để được vệ sinh sạch những mảng bám này bằng dụng cụ chuyên dùng (cạo vôi siêu âm và đánh bóng bằng chổi siêu tốc)Cạo vôi và đánh bóng với những thiết bị chuyên dùng trong nha khoa hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến lớp men răng của bé.Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bởi vì men răng không bóng nên sau một thời gian được làm sạch, những mảng màu đen này sẽ có thể bám trở lại.Trong trường hợp răng bé bị mòn, mủn thì sau này có thể được điều trị bởi các bác sỹ nha khoa. Men răng có vị trí ngoài cùng của răng, giúp răng chịu được tác động của acid, kiềm, nóng, lạnh. Fluor và calci là hai yếu tố kiến tạo nên men răng. Khi uống, fluor sẽ nạp vào cấu trúc răng đang hình thành trong bề dày xương hàm, chưa mọc; sau khi răng đã mọc fluor cũng có thể ảnh hưởng 'từ bên ngoài' vào lớp men răng. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ lúc mang thai khẩu phần ăn thiếu calci và fluor hay khi còn nhỏ không được cung cấp đủ hai chất này thì sẽ bị thiểu sản men năng (men răng không được mịn, có những đám màu trên mặt răng) hoặc thiểu sản ngà răng (ngà răng bị khiếm khuyết khiến cho răng bị trắng đục hay xanh tái, phần trên răng bị màu xám đen phần dưới có màu vàng nhợt nhạt).Trẻ từ khi mới sinh cho đến 7-8 tuổi, nếu cơ thể hấp thu tốt Fluor qua nước uống, sữa, muối, viên Fluor... thì Fluor sẽ ngấm và men răng. Sau 7-8 tuổi nếu dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có pha Fluor thì các ion Fluor có thể ngấm thêm vào men răng cho đến 12-15 tuổi.
Như vậy Fluor chỉ có khả năng ngấm vào men răng tốt nhất trong khoảng từ 7-15 tuổi.
Fluor ngấm vào men răng bằng hai đường:
- Fluor dùng toàn thân.
- Fluor dùng tại chỗ.
Fluor dùng toàn thân Là loại Fluor hấp thu vào cơ thể bằng đường tiêu hóa như Fluor trong nước uống, muối ăn, Fluor viên, Fluor giọt...
Không được áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp dùng Fluor toàn thân, mà chỉ dùng một biện pháp (hoặc uống nước Fluor hóa, hoặc ăn muối có Fluor, hoặc uống viên hay giọt có Fluor...).
Fluor hóa nước uống là một biện pháp ít tốn kém nhưng hữu hiệu và an toàn nhất để giảm sâu răng trong những nhóm dân cư lớn. Từ 10 năm nay, nước máy của TPHCM và Hà Nội đã có hàm lượng Fluor đúng tiêu chuẩn.
Như vậy, một chế độ sinh hoạt lành mạnh và đúng đắn hàng ngày, đặc biệt là chất lượng nguồn nước sinh hoạt sẽ góp phần làm cho răng của bé cứng chắc và khỏe mạnh. Chúc bé nhà chị luôn có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt! Thân chào chị, (html=logo=html)