Mặc dù có những quan niệm khác nhau về loại vi khuẩn gây sâu răng, nhưng tất cả đều đồng ý rằng sâu răng không xảy ra nếu không có vi khuẩn (Van Houte 1994, Bowden 1990)[25]. Tuy không có loại vi khuẩn đặc biệt gây sâu răng, nhưng không phải tất cả vi khuẩn trong miệng đều gây ra sâu răng. Vi khuẩn bao gồm lượng mảng bám, các chất biến dưỡng và độc tố của nó.1. Streptococcus mutans[15]:Cho đến nay Streptococcus mutans được xem là tác nhân chính gây ra sâu răng. Vi khuẩn này lên men carbohydrate tạo ra acid, làm pH giảm xuống < 5, sự giảm pH liên tục có thể đưa đến sự khử khoáng trên bề mặt răng, làm mất vôi ở các mô cứng của răng, khởi phát quá trình sâu răng. Những bằng chứng về vai trò của S.mutans đối với sâu răng có thể được tóm tắt như sau: § Có mối tương quan giữa số lượng S.mutans trong nước bọt và mảng bám với tỉ lệ bệnh toàn bộ và tỉ lệ bệnh mới của sâu răng. § S.mutans có thể phân lập từ mặt răng ngay trước khi sâu răng hình thành. § Có tương quan thuận giữa tiến triển sang thương và số lượng S.mutans. § S.mutans có khả năng tạo polysaccharide ngoại bào từ sucrose giúp vi khuẩn kết dính nhau và bám dính vào mặt răng. § Có khả năng khởi xướng và duy trì sự tăng trưởng vi khuẩn và tiếp tục tạo ra acid ở pH thấp. § Chuyển hóa nhanh đường thành acid lactic và các acid hữu cơ khác. § Có khả năng đạt đến pH tới hạn làm khử khoáng men răng nhanh hơn các vi khuẩn thường gặp khác trong mảng bám. § Có khả năng tạo ra polysaccharide nội bào như glycogen có tác dụng như nguồn dự trữ thức ăn để sử dụng khi nguồn carbohydrate trong thức ăn thấp.Cơ chế chính xác để S.mutans bám dính và tích tụ trên bề mặt thì chưa rõ nhưng S.mutans được nghĩ là yếu tố gây bệnh vì chúng có khả năng tạo glucans ngoại bào từ sucrose. Tuy nhiên nhiều loại vi khuẩn có thể tổng hợp polysaccharide như glucans hoặc destrans lại không thể gây sang thương sâu răng. Có lẽ có những yếu tố khác ảnh hưởng đến độc lực của S.mutans. Người ta nhận thấy, S.mutans chứa những phân tử polypeptide có thể tạo liên kết đồng hóa trị, đó có thể là phương tiện để vi khuẩn bám dính vào bề mặt răng. Vi khuẩn Streptococcus mutans
2. Lactobacilli [15]:Lactobacilli là những vi khuẩn sống hoại sinh ở thực vật và sản phẩm của động vật (chẳng hạn như sữa). Chúng có khả năng dung nạp môi trường acid, vì thế được cho là có liên quan đến tiến trình sâu răng.Lactobacilli hiện diện thường trú trong khoang miệng nhưng chỉ chiếm ít hơn 1% hệ vi sinh thường trú ở miệng. Mức Lactobacilli trong nước bọt phụ thuộc vào thói quen ăn uống và có tương quan với việc sử dụng thức ăn carbohydrate. Lactobacilli lên men carbohydrate tạo thành acid và có thể sống tốt trong môi trường acid. Lactobacilli thường được phân lập từ bên dưới sang thương sâu răng, nơi pH có khuynh hướng acid.Quan niệm Lactobacilli giữ vai trò chính trong tiến trình sâu răng đã thống trị trong khoảng 35 năm. Người ta lập luận rằng lactobacilli vừa có khả năng sinh acid vừa dung nạp acid nên có thể tăng trưởng trong môi trường pH thấp của mảng bám và sang thương sâu. Tuy nhiên, không nhiều người chấp nhận học thuyết Lactobacilli là tác nhân gây sâu răng. Khi người ta phân tích được thành phần vi khuẩn mảng bám răng thì nhận thấy Lactobacilli chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (1/10.000) trong hệ vi sinh mảng bám. Hơn nữa, lượng acid có thể tạo ra từ số lượng Lactobacilli rất nhỏ trong mảng bám hầu như không đáng kể so với lượng acid do các vi khuẩn sinh acid khác tạo ra. Mức tăng trưởng cao trong răng sâu hoạt động cũng không thể xác định vai trò nguyên nhân của Lactobacilli, mặc dù chúng có thể tham gia thứ phát vào tiến trình sâu răng. Có thể giải thích một cách khác là tình trạng mảng bám dẫn đến sâu răng cũng tạo thuận lợi cho Lactobacilli phát triển. Chính vì thế một số người cho rằng Lactobacilli là hệ quả hơn là nguyên nhân khởi phát sâu răng. Vi khuẩn Lactobacilli
3. Non-mutans streptococci[15]:Về cơ bản, không có dữ liệu nào cho thấy vai trò gây bệnh sâu răng ở người của S.sanguinis hay S.salivarius. Trên thực tế, có một vài bằng chứng cho thấy có mối liên hệ nghịch giữa sự gia tăng S.sanguinis và S.mutans liên quan đến sự phát triển sang thương sâu răng 4. Enterococci[15]:Không có dữ liệu nào cho thấy vai trò đáng kể của Enterocci trong sự phát triển sang thương sâu răng ở người.5. Actinomycetes[15]:Phổ biến trong môi trường miệng của người và thường được tìm thấy liên quan đến sâu răng.6. Candida albicans[12]:C.albicans là loại nấm phổ biến nhất ở cơ thể người, được tìm thấy trong miệng khoảng 40% ở người bình thường (Arendorf 1979) và 75% ở người mang hàm giả (Budtz-Jlrgensen 1975). Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa C.albicans và sâu răng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là C.albicans hoạt động như một tác nhân gây sâu răng hay chỉ đóng vai trò tồn tại như một loại vi khuẩn hoại sinh. Nghiên cứu của Samaranayake (1986), Cannon (1995), Sen (1997) và Makihira (2002)[12] đã cho thấy C.albicans có khả năng sản xuất acid hữu cơ và tiết enzym tiêu hủy collagen của ngà răng, do đó C.albicans không những làm mất khoáng mô răng mà còn phá hủy những cấu trúc hữu cơ của ngà răng. Vì vậy cần chú ý vai trò của C.albicans trong sự tiến triển của sâu răng. Theo Bs.Phạm Thị Mai Khanh
*Tài liệu tham khảo:1. Jose Joy Idiculla, VR Brave, RS Puranik, S Vanaki, "Enamel Hypoplasia and its Correlation with Dental Caries In School Children of Bagalkot,Karnataka", J Oral Health Comm Dent 2011;5(1)31-36.2. Juan M Navia, "Carbohydrates and dental health", Am J Clin Nutr 1994;59 (suppl):719S-27S.3. Makarim Al-Omishi (1990), "Rampant dental caries", University of Sydney.4. Marja-Liisa Laitala, " Dental health in primary teeth after prevention of mother-child tranmissio of mutans stretoccoci", University of Turku 2010.